Kỹ thuật điều khiển hoa Cúc mâm xôi nở đúng dịp Tết

CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG VÀ HẠ TẦNG CẢNH QUAN HÀ HÙNG 04/06/2021
Kỹ thuật điều khiển hoa Cúc mâm xôi nở đúng dịp Tết

 

Hoa cúc mâm xôi là loài hoa có tầm quan trọng thương mai lớn chỉ sau hoa hồng.

Để cho hoa nở đúng dịp tết, đạt hiệu quả kinh tế cao bà con cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật sau.

Thời gian trồng cây: vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 để cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, không phải cây nào khi trồng vào thời điểm này cây cũng đều cho hoa vào đúng những ngày tết. Chúng ta cần phải có những biện pháp chăm sóc hợp lý để hoa cúc mâm xôi ra đúng thời điểm đẹp nhất và bán ra với giá thành tốt nhất.

Trong kỹ thuật chăm sóc cây vào thời điểm này cần kết hợp giữa thời vụ trồng, ánh sáng, nhiệt độ, tỉa cành, bấm ngọn và các kỹ thuật chăm sóc khác như:

Điều khiển ánh sáng cho cây: cúc là loại cây ưa ánh sáng, chính vì vậy khi thời điểm cây chưa có động thái ra lộc non hay nụ non thì cần cung cấp đầy đủ ánh sáng cho cây, nên để cây ở nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng chiếu vào.

Tuy nhiên nếu cây đã cho ra nụ, có thể cho ra hoa sớm hơn trước tết thì cần chú ý đến ánh sáng của cây, hạn chế ánh sáng tiếp xúc quá nhiều đối với cây, làm cây kích thích phát triển cho hoa nở sớm. Nhưng cần đảm bảo lượng ánh sáng cho cây trong ngày ít nhất 1-2 giờ cho cây phát triển.

Điều khiển nhiệt độ cho cây cúc mâm xôi: Cần chú ý khi nhiệt độ trong ngày quá cao khiến cây bị héo úa và giúp kích thích cho cây nhanh nở hoa. Để cây sinh trưởng cho hoa nở đúng nên để nhiệt độ thích hợp cho cây từ 13-18oC. Nếu trong năm nhiệt độ cao nhiều cần tiến hành hãm nhiệt độ xuống bằng cách cho những chậu hoa vào phòng lạnh có đủ ánh sáng và nhiệt độ thích hợp. Nếu nhiệt độ trong năm thấp thì cần cung cấp nhiệt độ cho cây bằng cách thắp thêm bóng đèn cho cây. Làm như vậy cây sẽ sinh trưởng phát triển và cho hoa nở vào đúng vào dịp tết.

Hạn chế sự phát triển của bộ rễ con: Khi cây phát triển nhanh, cho nhiều hoa và nụ nở sớm, cần tiến hành xới đất xung quanh chậu hoa để làm tổn thương bộ rễ con làm cây kìm hãm sự hấp thụ dinh dưỡng. Tuy nhiên khi thực hiện thao tác này cần chú ý đến sự phát triển của bộ rễ, tránh làm tổn thương đến rễ chính làm chết cây.

Sử dụng phân bón chất kích cho cây: Trong giai đoạn khoảng giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 âm lịch cần xác định cúc nở đúng hay trễ dịp Tết để xử lý kịp thời.Theo kinh nghiệm của các nhà vườn trồng hoa để cây hoa nở đúng và lâu tàn cần tiến hành bón phân khi hoa bắt đầu cho nụ nên bón thêm Kali và Nito sẽ thúc đẩy lượng hoa và tăng kích thước hoa.

Ngoài ra có thể sử dụng các chất kích thích ra hoa được khuyến cáo để phun cho cây cúc mâm xôi như Gibberellic acid 90% (GA3) giúp kích thích sự phát triển của chiều cao thân, cành, rễ, giúp kích thích hoa nở sớm hơn và kéo dài tuổi thọ hoa hơn khi hoa nở sử dụng với nồng độ 2g/100L nước phun đồng đều lên toàn bộ thân lá và rễ cây hoa cúc mâm xôi. Kết hợp bón phân NPK cho cây hoa cúc.

Lưu ý: Không bón phân lúc sáng sớm khi lá còn ướt sương, không bón vào buổi trưa nắng. Nên bón vào lúc 7 giờ đến 9 giờ sáng khi đã ráo sương, bón vào những ngày nắng nhẹ, mát mẽ, ấm asp. Sau khi bón xong cần tưới nước đẫm để cây có thể hấp thu phân bón nếu bón phân dạng rắn. Kịp thời rửa lá bằng nước sạch sau khi bón phân.

Bấm ngọn, tỉa cành: Có thể tiến hành bấm ngọn 01 – 02 lần để đảm bảo yêu cầu số hoa trên chậu. Bấm ngọn lần 1 tiến hành sau khi trồng 15 – 20 ngày bấm ngọn để lại 3 – 4 cành hoa. Bấm ngọn lần 2 tiến hành sau lần 1 khoảng 15 ngày. Kết hợp thường xuyên bấm, tỉa cành, các nhánh không cần thiết.

Một số sâu bệnh hại trên hoa hoa cúc và cách phòng trừ bệnh hiệu quả

Bệnh đốm lá

Triệu chứng: Cây thường phát sinh bệnh vào mùa mưa, khi không khí ẩm ướt, trên lá xuất hiện những đốm lá hình tròn, vết bệnh có màu vàng bao quanh ở giữa vết bệnh có màu nâu một thời gian lá vàng và rụng.

Nguyên nhân: Bệnh do nấm Curvularia sp gây hại.

Biện pháp trị bệnh: Một số thuốc sử dụng để trị bệnh đốm lá có những hoạt chất như Hexaconazol, mancozed, chlorothalonil, thuốc có tên thượng mại là Anvil 2SC, daconil 75WP, mancozed 800WP. Phun 5-7 ngày/lần tầm 2-3 lần nhằm tăng hiệu quả thuốc.

Bệnh phấn trắng

Triệu chứng: Bề mặt lá xuất hiện một lớp phấn trắng làm lá cây bị vàng sau đó rụng toàn bộ lá trên cây.

Nguyên nhân: Do nấm Oidium Chrysanthemi gây bệnh, bệnh thường xuất hiện khi thời tiết nắng nóng.

Trị bệnh cho cây: Sử dụng loại thuốc hoạt chất như Thiophanate Methyl, Hexaconazol bao gồm các thuốc có tên thương mai là TopSin M 70WP, Anvil 5SC. Phun liên tục 2- 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày nhằm đạt hiệu quả tối đa.

Bệnh héo xanh vi khuẩn

Triệu chứng: Bệnh héo xanh có biểu hiện đặc biệt thường xuất hiện giai đoạn cây con, cây đột nhiên bị héo rũ xuống, một thời gian cây chết. Khi kiểm tra cây phần dưới rễ, bẻ đôi phần thân xuất hiện dịch màu trắng.

Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas Solanacearum gây bệnh.

Phòng trừ bệnh: Cây cần được phát hiện sớm và phun kịp thời, bạn nên nhổ bỏ những cây bị héo rũ sau đó đem tiêu hủy cây không nên vứt cây gần nguồn nước nó sẽ lây lan sang những cây trồng khác. Sau khi nhổ bỏ bạn sử dụng những loại thuốc có hoạt chất sau Pencycuro, Fosetyl Aluminium như các thuốc có tên thương mại là Monceren 250SC, Aliette 800wg. Chú ý khi phun thuốc, bạn nên phun liên tục từ 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày, như vậy thuốc sẽ phát huy hiệu quả tối đa.

Bệnh héo rũ

Triệu chứng bệnh: biểu hiện của bệnh đầu tiên xuất hiện tại lá non sau đó chuyển lên lá già, tuy nhiên có một số giống hoa cúc triệu chứng bệnh xuất hiện phấn dưới gốc sau đó lan lên phần ngọn

Thân chuyển thành màu vàng nâu, triệu chứng héo rũ thường biểu hiện vào buổi trưa hoặc khi nhiệt độ môi trường trên 320C

Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh héo rũ fusarium gây ra bởi nấm oxysporum f. sp.chrysanthemi (Foc) và F. oxysporum f. sp. tracheiphila (Fot)

Phòng trừ bệnh

Khử trùng đất trước khi trồng

Duy trì pH đất tư 6.5 đến 7.0

Sử dụng phân bón đạm dạng nitrat thay cho dạng ammonium

Biện pháp hóa học:

+ Xử lý đất: sử dụng hỗn hợp thuốc fludioxonil và azoxystrobin để tưới vào đất trước khi trồng

+ Thuốc dùng để phun lên cây hoặc tưới gốc: prodione, thiophanate-methyl + iprodione, triticonazole, boscalid + pyraclostrobin, azoxystrobin benzovindiflupyr và fluoxastrobin

Biện pháp sinh học: sử dụng Trichoderma viride (T-l) và Aspergillus ochraceus tưới gốc hoặc xử lý cây con có thể giảm 50% bệnh héo rũ fusarium trên cây hoa cúc

Sâu hại thường gặp trên hoa cúc mâm xôi.

Các loại sâu hại như rệp ống, nhện đỏ, sâu đo, sâu ăn lá, sâu cuốn lá, xén tóc, bọ hung, bọ trĩ.

Phương pháp trị hiệu quả nhất là bạn nên sử dụng thuốc rãi đều quanh chậu cây như Regent 0.3G, furadan 3%, rãi vào đất phòng từ giai đoạn làm đất đến khi cây ra hoa từ 1- 2 lần.

Phương pháp chăm sóc hoa cúc mâm xôi lâu tàn

Vị trí đặt chậu: Nên chưng chậu hoa cúc mâm xôi những nơi thoáng mát và tránh gió lùa vào chậu, bạn nên để xa những nơi có quạt máy để làm cho chậu hoa không bị héo vì mất nước. Tránh để ở những nơi có nhiệt độ nóng như gần tủ lạnh, tivi, các thiết bị điện khác và những nơi có nhiều ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây làm hoa bị héo.

Cắt tỉa: Khi mua chậu cúc mâm xôi về bạn cũng cần cắt bỏ những cành bị héo, lá úa, cành yếu, những cành bị gãy dập khi vận chuyển làm mất vẻ đẹp của chậu hoa. Khi cắt tỉa những cành hư nên cắt sát gốc cành để tránh cành bị thối nhũn thân sinh ra các sâu bệnh hại cây, làm lây lan bệnh sang cây khác.

Bón phân: Để hoa cúc lâu tàn khi chơi tết bạn cần bổ sung thêm vitamin B1 cho cây giúp cây tăng cường sức để kháng, tăng cường sản xuất chất diệp lục, tạo sự quang hợp, trao đổi chất dinh dưỡng, làm cho cây khỏe mạnh, giúp hoa nở bền lâu hơn. Bạn nên sử dụng với nồng độ 2-3mg/L nước sạch phun tưới đồng đều lên bề mặt thân, lá, hoa và rễ cây, giúp cây tươi lâu hơn.

Tưới nước: Cần cung cấp nước tưới cho cây mỗi ngày vào sáng sớm và chiều mát, nên thường xuyên mang hoa ra sân vào sáng sớm để có thể hứng chọn được những giọt sương mai giúp hoa tươi lâu hơn.

Một số kinh nghiệm chăm sóc cúc mâm xôi sau tết

Sau tết khi hoa tàn đễ chăm sóc cây ra đợt hoa mới thì chúng ta áp dụng những biện pháp đơn giản sau:

Thay đất mới cho cây: Việc thay đất mới cho cây giúp tạo môi trường thông thoáng cây sẽ bắt đầu hồi phục và ra hoa liên tục.

Cắt tỉa: Cắt bỏ toàn bộ hoa tàn, hoa khô héo cắt đoạn có chiều dài từ 5-10cm.

Bón phân: Sau khi cắt tỉa bạn nên bón phân cho cây, bổ sung phân bón chứa đạm và kaly sẽ giúp cây phân hóa nhiều mầm hoa mới và phát triển ổn định, sử dụng loại phân NPK 16-8-18+ TE. Bạn nên kết hợp phun phân bón qua lá, cây sẽ đạt hiệu quả hơn, dùng loại phân bón lá dạng nước như NPK 10-10-13 + TE cho cây, sau 15-20 ngày cây sẽ ra hoa đẹp.

 

 

Bài viết liên quan