Sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ trên cây bưởi

CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG VÀ HẠ TẦNG CẢNH QUAN HÀ HÙNG 03/04/2021
Sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ trên cây bưởi

 

I. BỆNH HẠI TRÊN CÂY BƯỞI

1.1. Bệnh vàng là thối rễ

Nguyên nhân gây bệnh.

Do nấm và tuyến trùng gây hại. Tuyến trùng và nấm Phytophthora xâm nhập rễ tạo ra các vết thương hoặc làm giảm khả năng miễn dịch của bộ rễ, từ đó tạo điều kiện cho nấm Fusarium solani xâm nhập gây hại.

Điều kiện ẩm độ cao của đất là yếu tố thích hợp nhất để cho bệnh phát triển và lây lan.

Triệu chứng bệnh

Cây bị bệnh lá vẫn bình thường, nhưng gân lá có màu vàng trắng, phiến lá ngã màu vàng xanh và sau đó rụng đi.

Cho nhiều chồi ngắn, lá nhỏ, nhiều hoa, trái, trái chua và cuối cùng cây chết hẳn. Đào rễ lên thấy phía cành rụng lá rễ bị thối, vỏ rễ tuột khỏi phần gỗ, gỗ bị sọc nâu lan dần vào rễ lớn.

Bệnh nặng tất cả rễ bị thối và cây chết

Nếu cho trái, trái chất lượng kém, dễ bị rụng, năng suất giảm đáng kể.

Nếu không có phương án điều trị kịp thời sẽ lây lan rất nhanh cho các cây trong vườn.

Phương pháp phòng trị bệnh.

Duy trì độ ẩm thích hợp cho vườn. Đất tơi xốp không bị úng nước

Đảm bảo mật độ gieo trồng vừa phải, nước tưới phải sạch, dụng cụ chăm sóc phải được khử trùng

Trồng nơi đất cao, thoát nước tốt, nếu vườn thấp phải làm bờ bao

Nếu phát hiện sớm, cắt bỏ rễ bị thối, bôi thuốc vào vết cắt.

Bón thêm phân lân, kali hoặc tưới MKP để cây phục hồi nhanh hơn.

Cây mới chớm bệnh tưới thuốc nhóm Benomyl, nhóm Metalaxyl (Ridomil 72 WP) nhóm Carbendazim (Carbenzim 500FL, Derosal 50 SC).

Bón phân chuồng hoai mục + tưới Tricô - ĐHCT liều lượng 7-10g/gốc.

1.2. Bệnh thối gốc chảy nhựa.

Nguyên nhân gây bệnh.

Do nấm Phytophthora gây ra, xuất hiện nhiều khi cây bị thiếu canxi. Cây thiếu canxi sẽ khiến vỏ cây, vỏ trái bị nứt khi thời tiết thay đổi đột ngột. Từ các vết nứt, nấm Phytophthora sẽ xâm nhập gây ra tình trạng xì mủ trên cây bưởi.

Trong điều kiện ẩm độ cao, nhiệt độ thấp, độ pH đất thấp thích hợp cho nấm phát triển và gây hại

Triệu chứng bệnh.

Ở phần gốc có những vết nhũn nước, nhựa chảy ra, lúc đầu có màu vàng, sau đó khô cứng lại có màu nâu. Vết bệnh sau cùng khô và nứt, ngay vết bệnh vỏ trong bong ra.

Bệnh có thể phát triển nhanh vòng quanh thân hoặc rễ chính làm lá bị vàng, nhất là gân lá, kế đó lá rụng, bệnh nặng lá trên cành rụng gần hết, cành khô chết.

Biện pháp phòng trừ.

Lựa chọn khu đất cao, không bị ngập nước trong mùa mưa, dễ thoát nước trong mùa khô.

Trồng cây với khoảng cách hợp lý, khi cây trưởng thành giao tán vẫn còn không gian để hứng ánh nắng mặt trời.

Vệ sinh vườn sau mỗi vụ thu hoạch, thu dọn hết tàn dư đem đi tiêu hủy.

 Không nên ủ cỏ sát gốc vào mùa mưa, cách gốc 20-30cm.

 Dùng Bordeaux 1%, Copper Zinc 85 WP, Mancozeb 80 WP, Dithane M 45 WP, Champion 77 WP, Acrobat MZ 90/600WP… pha đặc phết vào vết bệnh 7 ngày/lần, để ngừa quét 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa.

Khi bệnh gây hại trên cây phun thuốc gốc đồng (như Champion 77 WP, Copper Zinc, Curzate M8 80WP), nhóm Mancozeb (Manzate 80WP), nhóm Metalaxyl (Ridomil 72 WP), nhómFosetyl Aluminium (Aliette 80 WP). Vết bệnh ở gốc, có thể dùng các loại thuốc trên pha đặc, rửa sạch vết bệnh và quét thuốc vào.

1.3. Bệnh loét

Nguyên nhân

Do vi khuẩn Xanthomonas campestris. Vi khuẩn này xâm nhiễm mạnh qua vết thương hở hay lỗ khí khổng ở phần lá. Lá, cành non, trái thường bị nhiễm qua khí khổng khi có sương hay mưa làm ướt vết bệnh. Vi khuẩn trong vết bệnh sẽ ứa ra và từ đó gió, nước mưa, côn trùng (sâu vẽ bùa) sẽ làm lây lan bệnh. 

Triệu chứng bệnh

Trên lá và trái, vết bệnh lúc đầu nhỏ sũng nước màu xanh đậm, sau đó lớn dần có màu vàng nhạt, mọc nhô lên mặt lá, bề mặt vết bệnh sần sùi, nhìn kỹ ở giữa có vết lõm xuống, nhiều vết bệnh liên kết lại tạo thành mảng lớn và bất dạng.

Bệnh nặng làm rụng lá, chết cành, trái sượng không phát triển hoặc rụng.

Biện pháp phòng trừ.

Cắt tỉa cành, lá, trái bị bệnh và thu gom các cành, lá, trái bị bệnh đem thiêu hủy, hay trước khi tưới nước, ra hoa.

Kiểm dịch thực vật các cây giống từ nơi khác về địa phương.

Những vườn bị bệnh không nên tưới nước lên tán cây vào buổi chiều mát, chỉ tưới vào gốc cây và không tưới thừa nước. Tăng cường bón thêm phân kali cho vườn cây bị bệnh.

Phun nấm đối kháng kết hợp với siêu đồng diệt vi khuẩn khi lộc mới bắt đầu nhú bằng hạt gạo. Phun kèm nấm xanh nấm trắng với amino acid để giúp cây dày lá và diệt sâu non của bướm đó chính là sâu vẽ bùa.

1.4. Bệnh vàng là Greening.

Nguyên nhân gây bệnh.

Do vi khuẩn Liberobacter asiaticus, rầy chổng cánh (Diaphorina citri) làm môi giới truyền bệnh, mầm bệnh không lưu truyền qua trứng rầy và hạt giống.

Triệu chứng bệnh.

Trên cành, lácó triệu chứng đốm vàng, thịt lá biến vàng, ven gân lá còn giữ màu xanh lục, gân nổi, lá nhỏ hẹp, thô cứng, cong, cành lộc ngắn, lá rụng sớm, cành khô dần

Trên quảQuả nhỏ, mẫu mã xấu, rối loạn các chức năng sinh lý và dinh dưỡng nên quả phát triển dị dạng, không cân đối.

Trên bộ rễVi khuẩn xâm nhiễm vào rễ gây thối rễ, đa phần rễ tơ bị thối hỏng.

Cây chết hàng loạt nếu bệnh phát triển mạnh. Quả dị dang, làm giảm toàn bộ năng suất cây trồng, gây thiệt hại kinh tế lớn cho nhà vườn.

Biện pháp phòng trừ.

Không trồng giống có nguồn gốc từ những vườn cây có triệu chứng bệnh, hoặc giống không rõ xuất xứ.

 Loại bỏ cây đã nhiễm bệnh để tiêu hủy mầm bệnh, không nhân giống những cây nghi ngờ hoặc nhiễm bệnh.

Khử trùng sau mỗi lần sử dụng các dụng cụ cắt tỉa.

Khi cây bị nhiễm nhẹ, cắt tỉa và tiêu hủy các cành, cây bị bệnh để tránh lây lan.

Phun thuốc trừ rầy chổng cánh vào các đợt ra lá non.

1.5. Bệnh đốm rong.

Nguyên nhân gây bệnh

Do tảo Cephaleuros virescens Kunze gây ra. Vườn cây có điều kiện canh tác kém; đất không thông thoáng, vườn mọc nhiều cỏ dại, vườn bị côn trùng và nhện gây hại.

Triệu chứng bệnh.

Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu xanh, sau đó lớn dần có hình tròn hoặc bầu dục, đường kính từ 3 - 5mm, trên vết bệnh có lớp tơ mịn như nhung màu xanh rêu, giữa vết bệnh có màu đỏ gạch hoặc nâu đen. Bệnh làm nứt vỏ, tạo điều kiện cho các bệnh khác phát triển. Nhiều đốm bệnh có thể liên kết lại thành mảng lớn. Vết bệnh chuyển dần sang màu xanh xám.

Bệnh làm giảm mẫu mã và chất lượng quả, giảm giá thành trái.

Biện pháp phòng trừ.

Không trồng dày, nên tỉa cành tạo tán, tạo thông thoáng cho vườn.

Không nên phun phân bón lá định kỳ.

Phun thuốc khi cây bị bệnh nặng, có thể sử dụng thuốc Mancozeb, Kumulus 80DF, Microthiol special 80WP hoặc Chlorine 0,5%.

Ngừa bệnh có thể dùng thuốc gốc đồng (Coc 85 WP, Kocide, Copper Zinc…) hoặc pha đặc quét lên thân, cành già vào đầu và cuối mùa mưa.

1.6. Bệnh lở cổ rễ.

Nguyên nhân gây bệnh.

Do nhiều loại nấm lưu tồn trong đất như: Phytophthora spp., Rhizoctonia solani, Sclerotium sp, Fusarium gây ra.

Triệu chứng bệnh.

Bệnh lở cổ rễ trên cây bưởi gây hại mạnh đối với những vườn có bộ rễ trồng quá sâu khiến phần cổ rễ dễ bị ngập khi tưới nước hoặc gặp mưa.

Biện pháp phòng trừ.

Diệt hết nấm bệnh trong đất bằng bộ giải pháp chăm sóc đất bảo vệ rễ. Cào xới bớt đất xung quanh cổ rễ cho thông thoáng và bón phân rải mặt để kích thích bộ rễ ăn nổi lên cho tiện chăm sóc và hạn chế ngập úng.

II. SÂU HẠI TRÊN CÂY BƯỞI.

2.1. Sâu vẽ bùa

Đặc điểm gây hại

Lá non bị tấn công sẽ không phát triển và biến dạng, giảm quang hợp, cây sinh trưởng và phát triển kém, nhất là cây con, hoa trái dễ bị rụng.

Biện pháp phòng trừ.

 Phòng trị sâu vẽ bùa ngay trong giai đoạn ra lá non như vào đầu mùa mưa, tỉa cành cho ra đọt non tập trung, mau thành thục để hạn chế sự phá hại của sâu. Phun thuốc ngay khi lá non vừa có triệu chứng đầu tiên (25% đọt hoặc lá non) bằng các loại thuốc nhóm Abamectin (Tập kỳ, Vibamec) hoặc Imidacloprid (như Confidor).

2.2. Rầy chổng cánh.

Đặc điểm gây hại

Sự chích hút của rầy làm cho chồi bị khô, rụng lá, gây hiện tượng khô cành. Rầy còn truyền vi khuẩn Liberobacter asiaticum gây bệnh Vàng lá greening cho cây.

Biện pháp phòng trừ

 Loại bỏ nguồn bệnh ra khỏi vườn.

 Trồng giống cây sạch bệnh.

 Điều khiển đọt non ra tập trung, trồng cây chắn gió chung quanh vườn.

 Không trồng cây kiểng như Cần thăng, Nguyệt quế, Cam quýt trong vườn.

 Nuôi kiến vàng Oecopphylla smaragdina.

 Sử dụng bẫy màu vàng vào các đợt ra lộc non, cứ 5 cây/hàng đặt 1 bẫy. Khi phát hiện thành trùng, dùng thuốc hóa học hoặc dầu khoáng nồng độ 0,5% phòng trị.

 Chỉ sử dụng thuốc trừ sâu khi thật cần thiết, có thể dùng các loại thuốc nhóm Fenobucarb (Bassa), Thiamethoxam (Actara), hoặc Buprofezin (Applaud)

2.3. Rầy mềm.

Đặc điểm gây hại

Rầy chích hút nhựa làm đọt non không phát triển và biến dạng, phân chúng thải ra có nhiều chất đường mật kích thích nấm bồ hóng phát triển trên lá làm giảm khả năng quang hợp. Rầy mềm còn là môi giới truyền bệnh Tristeza.

Biện pháp phòng trừ

 Tỉa cành để cây ra đọt non tập trung.

 Trong tự nhiên có những loài ong ký sinh thiên địch tấn công rầy mềm như: bọ rùa, green lacwing, ruồi ăn rệp (Syrphidae) và ong ký sinh thuộc họ Aphididae.

 Trị các loại thuốc như nhóm Acephate (Lancer 75 WP), nhóm Buprofezin (Butyl 10 WP, Applaud 10WP), nhóm Fenobucarb (Bassa 50ND), dầu khoáng.

2.4. Sâu đục vỏ trái.

Đặc điểm gây hại

Sâu tấn công khi trái còn rất nhỏ, vết đục tạo nên những u sần trên trái, nếu bị nặng trái sẽ rụng. Nếu sâu tấn công vào giai đoạn trễ hơn, trái vẫn phát triển nhưng sẽ bị biến dạng, vỏ u sần, trái bị giảm giá trị thương phẩm.

Biện pháp phòng trừ

+ Theo dõi, thu gom những trái bị nhiễm (trên cây hoặc trái rụng xuống đất), đem chôn sâu để diệt sâu còn ở vỏ trái.

+ Có thể sử dụng thuốc chọn lọc để phòng trị khi vừa tượng trái non, phun liên tiếp 2 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày.

+ Sử dụng chất dẫn dụ phái tính (sex pheromone).

+ Dùng dầu khoáng cũng có tác dụng phòng ngừa tốt.

2.5. Bù lạch

Đặc điểm gây hại

Bù lạch tấn công trên lá non, hoa và cả trên trái.

Biện pháp phòng trừ.

 Dùng bẫy màu vàng đặt khi cây ra hoa để phát hiện. Khi thấy có triệu chứng đầu tiên trên trái, tiến hành phun các loại thuốc nhóm Artemisinin (Visit 5 EC), Malathion (Malate 73 EC), nhóm Dimethoate (Fenbis 25 EC).

2.6. Nhóm Nhện

Đặc điểm gây hại

 Nhóm nhện tập trung trên bề mặt của lá và trái, cạp lớp biểu bì tạo thành những chấm nhỏ li ti màu vàng và rụng sớm, trên trái gây da cám, da lu.

Biện pháp phòng trừ

Phát hiện thật sớm khi vừa đậu trái và phun các loại thuốc trừ nhện cho đến khi trái lớn như nhóm Propargite (Comite 73 EC), nhóm Sulfur (Sulox 80WP), Fenpyroximate (Ortus 5 SC).

Chúc bà con có vụ mùa bội thu!!!

 

 

Viết bình luận của bạn:

Bài viết liên quan