Mô hình trồng ổi lê Đài Loan cho năng suất, chất lượng cao.

CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG VÀ HẠ TẦNG CẢNH QUAN HÀ HÙNG 04/06/2021
Mô hình trồng ổi lê Đài Loan cho năng suất, chất lượng cao.

 

Mô hình chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng ổi lê Đài Loan của anh Lê Thanh Phú, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho thu nhập khá.

Anh Lê Thanh Phú ở thôn Bình Ca 2 cho biết, đầu năm 2014, có anh bạn quê ở Hoài Đức (Hà Nội) lên chơi. Thấy vợ chồng anh lao động vất vả với cây rau màu ngắn ngày, bạn có lời khuyên nên trồng ổi (giống ổi lê Đài Loan) sẽ cho thu nhập rất tốt.

Nghe theo lời khuyên của bạn, anh bàn với vợ rồi quyết định trồng thử. Đầu tiên anh đặt mua 20 cây ổi (chiết cành) mang về trồng ở bãi đất ven suối gần nhà. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, cây ổi phát triển rất tốt và bắt đầu ra hoa kết trái.

Cuối năm 2014 anh chị thu hoạch lứa quả đầu tiên, do là giống ổi mới và được chăm sóc tốt nên quả to, có mã đẹp, chất lượng ăn giòn, ngọt lại cho quả trái vụ nên bán được giá từ 30 - 40 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập gấp nhiều lần trồng rau.

Nhận thấy thấy ổi là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, anh bàn với chị chuyển hướng trồng thâm canh ổi. Để mở rộng diện tích trồng ổi, cần phải có diện tích đất canh tác đủ rộng, thuận lợi cho việc tưới và tiêu nước sau này.

Rất may bên cạnh vườn nhà anh có mấy mảnh ruộng ven suối của một số hộ trong thôn sử dụng trồng cây ngắn ngày nhưng cho hiệu quả kinh tế không cao do thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa.

Anh đã dành thời gian đi đến từng nhà có đất ruộng liền kề để vận động chuyển đổi nhằm thuận lợi cho việc canh tác lâu dài. Qua nhiều lần kiên trì thuyết phục, cuối cùng các hộ đã đồng ý đổi nhượng cho anh, cộng với diện tích đất của gia đình gộp lại anh đã có một thửa đất rộng 2.500 m2 .

Năm 2015, gia đình làm đơn gửi chính quyền địa phương đề nghị cho phép cải tạo, nâng cao mặt bằng đất ruộng để chống ngập úng vào mùa mưa; đồng thời xin chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng cây hàng năm sang đất trồng cây lâu năm để phát triển kinh tế vườn.

Có mặt bằng đủ rộng và không còn bị ngập khi mùa mưa đến, anh tiến hành lên luống, đào hố với mật độ 3 m x 3 m để trồng mới 250 gốc ổi.

Sau khi trồng, cây ổi bén rễ và bước vào giai đoạn phát triển, cả gia đình tập trung chăm sóc, tỉa cành tạo bộ khung tán hợp lý chuẩn bị cho chu kỳ ra hoa đậu quả.

Miệt mài chăm sóc, cuối năm 2015 vườn ổi cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, cân đối tiền bán ổi vừa đủ cho đầu tư chi phí cải tạo đất và trồng mới.

Bước sang năm 2016 với 270 gốc ổi cho quả quanh năm, anh chị thu lợi trên 100 triệu đồng; năm 2017 cho thu nhập khoảng 200 triệu; đặc biệt năm 2018 thu từ bán ổi quả 310 triệu và 30 triệu tiền bán cành ổi giống cho tổng thu nhập 340 triệu, trừ chi phí đầu tư phân bón, túi bọc quả, lợi nhuận thu về 300 triệu.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng ổi anh Phú cho biết, để cây ổi ra hoa đậu quả quanh năm, chất lượng quả thơm, giòn và ngọt phải thường xuyên tỉa cành, bấm ngọn tạo chồi mới cho ổi ra hoa.

Sau khi cánh hoa rụng, quả ổi to gần bằng đầu ngón tay cái phải dùng túi chuyên dụng bọc bảo vệ quả để tránh côn trùng (bọ xít muỗi, rệp sáp) gây hại.

Định kỳ bón phân hữu cơ (phân gà ủ hoai mục sau 6 tháng), bón đủ lân, giảm lượng phân đạm vô cơ và bón tăng lượng kali sun phát. Khi cần dùng thuốc hóa học phun trừ sâu bệnh gây hại phải tuân thủ nguyên tắc sử dụng thuốc “4 đúng”.

Do đặc điểm là giống ổi quả to, năng suất cao, nên ổi Đài Loan rất chịu thâm canh cao, nên phói hợp các loại phân bón vô cơ và hữu cơ chăm bón hợp lý:

- Phân hữu cơ bao gồm tro bếp, phân gà, phân chim... có thể bón thường xuyên trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.

+ Tro bếp bón 15 - 20kg/1 gốc, chia bón 2 lần/năm.

+ Phân gà, phân chim phải trộn kèm vôi bột tỷ lệ 1:10, rồi đóng vào vỏ bao lân, đạm, thức ăn chăn nuôi, mỗi gốc cây đặt 1 bao, định kỳ 6 tháng thay mới bao phân 1 lần.

 Phân vô cơ chủ yếu sử dụng NPK tổng hợp:

+ Thời kỳ cây sinh trưởng sinh dưỡng, bón NPK đầu trâu 15-15-15+TE, lượng bón 0,3 - 0,5kg/1 gốc.

+ Giai đoạn cây mang quả sử dụng NPK Cò bay 7-7-14, bón định kỳ 0,3 - 0,4kg/1 gốc/1 tháng.

+ Thời vụ khai thác quả cao sản, định kỳ 10 ngày/1 lần bón mỗi gốc 0,5kg bột đậu tương (đã ủ lên meo xanh) + 0,15kg kali Canada.

+ Thời kỳ sau đốn tỉa lớn bón 0,2kg urê/ gốc, thúc cho cây sớm ra mầm.

- Các sâu bệnh hại chính gồm có, sâu róm, rệp bông và ruồi đục quả, phun phòng trừ bằng Sherpa từ 1 - 3 lần/1 năm, phun trước bao quả 3 - 5 ngày và khi mầm cây ra rộ.

Từ thực tế trồng ổi Đài Loan ở các địa phương hiện nay, chúng tôi khuyến nghị:

- Nên điều chỉnh thời vụ thu hoạch ổi chủ yếu từ tiết Lập thu (tháng 8) đến Tết Nguyên đán, để được chất lượng quả tốt hơn, bán được giá hơn.

- Cần hạn chế thu hái ổi vào các ngày thời tiết có mưa.

- Chỉ trồng ổi trên các chân đất thịt pha sét hoặc đất có thành cơ giới nặng.

- Ổi Đài Loan sản xuất tại các địa phương đã cơ bản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các tổ chức, cá nhân có thể chủ động chào bán xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.

* Chú ý: Khi trái ổi lớn bằng quả táo chua cần tiến hành tỉa quả, cắt bỏ hết các quả còi cọc, quả phát triển không cân đối, quả mọc quá dày trên cành, chỉ để lại mỗi lách lá không quá 1 quả, đồng thời tiến hành bao quả bằng túi bao trái ổi chuyên dùng, nhằm phòng ngừa sâu bệnh hại, không phải phun hóa chất bảo vệ thực vật.

- Để cây ổi cho thu hoạch quanh năm, cần đốn tỉa thường xuyên sau mỗi lần thu hái quả: Cắt bỏ các cành già cỗi, cành sâu bệnh, cành gầm, cành vượt, cành mọc quá dày, cành nằm sâu trong tán, và cắt hết các ngọn cành mới thu hái quả, tạo sự thông thoáng cho vườn cây, giảm thiểu sâu bệnh hại, tăng khả năng ra hoa, đậu quả.

- Để có sản lượng thu hoạch tập trung theo mùa vụ, cần cắt tỉa triệt để, loại bỏ hết các đoạn cành đang có trên cây, cắt sâu hết tới phần thân cành mang màu bánh tẻ. Sau cắt tỉa 7 - 10 ngày cây sẽ bật mầm. Cành mầm ra 9 lá bánh tẻ sẽ ra hoa, đậu quả. 3 - 4 tháng sau (tùy mùa vụ) cây sẽ cho thu hoạch quả tập trung, sản lượng lớn.

Chúc bà con thành công!!!

Viết bình luận của bạn:

Bài viết liên quan