I. SÂU HẠI TRÊN CÂY
1.1. Sâu nâu (Anomis fulvida Guenée)
Đặc điểm gây hại: thuộc họ ngài đêm (Noctuidae). Bộ cánh vẩy (Lepidoptera). Sâu nâu 2 đầu chấm trắng mới thấy xuất hiện ở rừng keo tai tượng Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây. Rừng keo tai tượng bị ăn xơ xác và trụi lá. Chúng gây hại làm giảm tăng trưởng rõ rệt. Nếu dịch sâu liên tiếp xảy ra, keo có thể bị chết từng chòm, tạo điều kiện cho các loài sâu hại thứ cấp xâm nhập.
Biện pháp phòng trừ:
Điều tra theo dõi khi sâu có mật độ thấp chỉ việc tìm sâu ở quanh gốc cây, cách thân chính khoảng 60cm.
Phương pháp vật lý cơ giới: ngăn chặn sâu bằng vòng dính. Để vòng dính phát huy hiệu quả keo phải được bôi kín toàn bộ vùng thân cây cách mặt đất 1,3m với bề rộng 8 - 10cm.
Biện pháp kỹ thuật lâm sinh: chủ yếu nhằm diệt trừ sâu nâu đầu 2 chấm trắng và sâu nâu vạch xám là biện pháp xử lý đấy xung quanh thân cây.
Biện pháp sinh học: Sâu nâu và sâu vạch xám có nhiều thiên địch như côn trùng ăn thịt hoặc thuộc bộ bọ ngựa (Mantodea), họ kiến (Formicidae), động vật ăn sâu bọ như bò sát, lưỡng cư, côn trùng ký sinh như ong kén cánh tím, ong kén nâu vàng, ruồi ký sinh. Ong kén cánh tím làm cho sâu non chết hàng loạt, kén của loài ong này có thể đính bám trên thân hay lá cây. Ruồi ký sinh gây bệnh chết cho sâu non tuổi lớn và nhộng.
Biện pháp hóa học: khi các phương pháp phòng trừ sâu khác không làm cho mật độ sâu giảm đi buộc phải dùng phương pháp hóa học để làm giảm nhanh mật độ sâu. Các loại thuốc có tác dụng vị độc, tiếp xúc được phép sử dụng đều có thể tiêu diệt sâu ăn lá keo, một số loại vừa có tác dụng tiếp xúc, vị độc và xông hơi hay nội hấp cũng có thể dùng được như Ofatox hoặc Sumithion...
1.2. Sâu vạch xám (Speiredonia retorta Linnaeus)
Đặc điểm gây hại: thuộc Họ ngài đêm (Noctuidae). Bộ cánh vẩy (Lepidoptera), Sâu ăn lá làm giảm tăng trưởng của rừng. Mức độ dịch mới trên diện tích nhỏ.
Biện pháp phòng trừ: như sâu đầu 2 chấm
1.3. Sâu kèn nhỏ (Acanthopsyche sp.)
Đặc điểm gây hại: thuộc Họ ngài túi (Psychidae). Bộ cánh vẩy (Lepidoptera). Sâu xuất hiện ở nhiều địa phương nhưng đã gây dịch trên rừng keo tai tượng tại đảo suối Hai (Hà Tây) và trên keo lá tràm tại xã Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh. Khi keo bị hại có hàng vạn sâu kèn túi nhỏ trên một cây. Chúng ăn lá bị những đốm khô và thủng, mất khả năng quang hợp, cây trở lên còi cọc.
Biện pháp phòng trừ
Điều tra theo dõi, Sâu kèn nhỏ có đặc điểm ở trong kén và gây hại không đáng kể khi có mật độ thấp nên thường khó phát hiện. Từ tháng 4 đến tháng 7 cần chú ý theo dõi sự xuất hiện của sâu kèn để có các biện pháp tích cực ngăn chặn dịch có thể xảy ra.
Thu thập túi kén và tiêu diệt.
Bảo vệ các loài thiên địch như: Kiến, ong, nhện. Kiến đen (Formica japonica), kiến vống đỏ (Crematogaster brumca) có thể ăn thịt sâu non. Ong ký sinh sâu kèn nhỏ gồm các loài: Limnerium sp.; Philopsyche sp.; Cremastus flavo-orbitalis Cameron; Epiurus nankingensis Uchida; Goryphus sp.; ong đùi to Brachymeria sp. Một số loài nhện (Pardosa, Harmochirus, Plexipus) kết màng để bắt các tổ túi sâu, rất có hiệu quả trong việc làm giảm số lượng sâu ngài túi nhỏ. Vì vậy ở những khu vực có tổ kiến thường cây keo còn xanh tốt nên không cần phun thuốc hóa học để bảo vệ tổ kiến.
Có thể sử dụng thuốc hóa học để diệt trừ sâu kèn nhỏ như: Sherpa 25EC, Trebon 10EC, Pandan 95WP, Ofatox 40EC. Nếu phải bảo vệ sinh vật thủy sinh không dùng Sherpa và Pandan.
II. BỆNH HẠI TRÊN CÂY KEO
2.1. Bệnh “Die-back” hay còn gọi là bệnh chết ngược
Nguyên nhân gây bệnh: Chưa xác định được do loài nấm nào gây ra. Bệnh này cần được quan tâm ở những nơi trồng và phát triển mạnh keo lá tràm.
Triệu chứng bệnh: Ban đầu, những lá ở đầu cành bị khô và rụng sớm, dần dần những lá trên ngọn cây cũng bị khô và rụng các cành và ngọn cây sau khi bị khô rụng hết lá cây bị chết khô. Không thấy xuất hiện những đám thối mục hoặc lớp chồi thứ sinh mọc từ thân cây. Thân cây keo nhiễm bệnh bị nứt ra và có thể quan sát được bột màu trắng.
2.2. Bệnh úa vàng
Triệu chứng bệnh: Lá cây chuyển sang màu úa vàng, nhưng kích thước và hình dáng của lá không bị thay đổi. Ngay cả những lá còn non cũng bị nhiễm bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh: Vẫn chưa xác định được vật gây bệnh.
2.3. Bệnh phấn trắng lá keo
Bệnh phân bố cả 2 miền Nam và Bắc. Bệnh nặng có thể làm cho lá rụng, cây khô rồi chết. Tỷ lệ cây bị bệnh như ở Lào Cai, lên đến 60%, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh do nấm phấn trắng Oidium acaciae. Bào tử đơn bào, hình bầu dục trong suốt. Chúng mọc thành chuỗi. Bệnh qua đông trên lá bị bệnh. Mùa xuân năm sau gặp nhiệt độ và độ ẩm thích hợp thường xâm nhiễm gây hại. Bào tử lây lan nhờ gió.
Triệu chứng bệnh: Lúc đầu phát sinh trên ngọn cây rồi lan dần sang lá non và là già.
Biện pháp phòng trừ
Chọn đất trồng thích hợp, thoát nước, thoáng gió
Không trồng vào mùa âm u, ẩm độ cao.
Không nên bón nhiều phân đạm.
Chúc bà con có vụ mùa bội thu!!!