Sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ trên cây măng cụt

CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG VÀ HẠ TẦNG CẢNH QUAN HÀ HÙNG 03/06/2021
Sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ trên cây măng cụt

 

I. SÂU HẠI TRÊN CÂY

1.1. Sâu vẽ bùa

Đặc điểm gây hại

Sâu non mới nở đục chui qua lớp biểu bì của lá để ăn phần nhu mô của lá tạo thành đường hầm ngoằn ngoèo dưới lớp biểu bì, phía sau là đường phân thải ra của sâu như sợi chỉ, lớp biểu bì có thể bị bong ra hoặc trông giống như nhầy ốc sên. 

Hoa và trái có thể bị rụng khi cây bị gây hại nặng

Sâu gây hại quanh năm, mức độ gây hại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và thức ăn của sâu. Nhiệt độ thích hợp cho sâu vẽ bùa phát sinh gây hại là 23 - 290C, ẩm độ 85-90%.

Biện pháp phòng trừ

Thu dọn lá rụng trong vườn đốt bỏ cũng hạn chế nguồn sâu.

Thường xuyên theo dõi quan sát, để bảo vệ các đọt non vào các giai đoạn cao điểm phát triển của sâu. Trường hợp bị hại nặng thì có thể cắt bỏ các chồi lá bị sâu đem tập trung một chỗ để tiêu diệt.

Sử dụng một số thiên địch như:

+ Thiên địch ký sinh: loài ong trong các họ Chalcidoidea và Ichneumonidea ký sinh trên sâu non và nhộng, đôi khi tỉ lệ kí sinh có thể lên đến 70-80%.

+ Thiên địch bắt mồi: nuôi thiên địch kiến vàng Oecophylla smaragdina là biện pháp có hiệu quả phòng trị sâu vẽ bùa cao

Dùng các loại thuốc nội hấp để phun hay các hỗn hợp sử dụng thuốc BVTV hợp lý để bảo vệ nguồn thiên địch của sâu vẽ bùa trong tự nhiên, khi mật độ gây hại cao.

1.2. Nhện đỏ

Đặc điểm gây hại

Trên lá, khi bị gây hại sẽ có những chấm nhỏ li ti, khi bị nặng vết chấm lan rộng, lá có màu ánh bạc hoặc vàng, biến dạng… sau đó có thể bị khô và rụng. Khi mật số nhện cao, cành non cũng bị làm cho khô và chết.

Trên trái, nhện thường sống tập trung ở phần lõm (cuống trái, đáy trái). Nhện chích hút dịch ở lớp biểu bì trái non làm vỏ trái bị biến màu và các vết thương khô lại tạo nên những vết sần sùi gọi là da lu, da cám…ảnh hưởng đến mẫu mã của trái.

Biện pháp phòng trừ.

Không nên trồng quá dầy làm cho vườn cây bị um tùm rậm rập, không thông thoáng, tán bị che phủ nhiều.

Bón phân dứt điểm thành từng đợt và phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Nếu vườn bị nhện gây hại nhiều thì nên tăng cường bón thêm phân lân và kali.

Tỉa bỏ những cành, lá không cần thiết bên trong tán cây để tán cây luôn luôn được thông thoáng.

Sử dụng thuốc BVTV hợp lý để bảo vệ thiên địch.

Tưới nước đầy đủ trong mùa nắng để làm tăng ẩm độ vườn.  

Chú ý khi dùng thuốc cần luân phiên thuốc để tránh nhện hại nhờn thuốc.

Có thể phun nước với áp lực mạnh lên tán cây vào mùa nắng sẽ làm giảm mật số Nhện Đỏ, có thể dùng các loại thuốc để phun ngừa như: Dimenate 40EC, Saliphos 35EC, Ortus, Dầu DC-Tron plus, Confidor theo khuyến cáo vào giai đoạn cây mang trái non.

1.3. Rệp dính, rệp sáp

Đặc điểm gây hại

Gây hại chủ yếu trên lá. Rệp gây hại bằng cách chích hút chất nhựa của lá, tại vị trí vết chích sẽ có màu vàng.

Lá bị hại xuất hiện những đốm màu vàng. Nếu mật số rệp cao, sẽ làm cho toàn bộ lá bị vàng khô và rụng.

Biện pháp phòng trừ

Thu và tiêu hủy những lá bị nhiễm rệp nặng.

Phun thuốc trừ rệp như: Bi 58, Bassa, Mipcin, dầu khoáng SK99, Ortus, ...

1.4. Bọ trĩ

Đặc điểm gây hại

Trên hoa: Bọ trĩ chích hút làm hoa bị khô và rụng.

Trên trái: Bọ trĩ chích hút nhựa làm trái chảy nhựa tạo thành các vết sẹo trên vỏ trái, làm giảm chất lượng và giá trị trái.

Biện pháp phòng trừ

Tỉa cành tạo tán để vườn cây thông thoáng.

Gom và tiêu hủy hoa rụng và trái bị nhiễm nặng đem tiêu hủy.

Dùng các loại thuốc như: Confidor, Polytrin, Sherzol, Sherpa, pyrinex, Dragon, Fenbis.

II. BỆNH HẠI TRÊN CÂY

2.1. Bệnh chết nhánh

Nguyên nhân

Bệnh có thể do nấm Zignoella gorcirea hoặc do nấm Pestalotiopsis sp.

Triệu chứng bệnh

- Do nấm Zignoella gorcirea

Trên thân, cành xuất hiện những vết loét hoặc vết u sần.

Tại vị trí vết bệnh có thể có hiện tượng chảy nhựa. cây bị khô cuống lá và cành.

- Do nấm Pestalotiopsis sp.

Cây bị nấm tấn công gây cháy lá và làm chết nhánh nhỏ trên cây.

Nấm Pestaliotopsis sp. phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ không khí cao và thời tiết có mưa nhiều.

Nếu bị 2 loài nấm này gây hại nặng thì cây măng cụt sẽ bị rụng lá, chết cành và có thể bị chết.

Biện pháp phòng trừ

Cắt những cành bị hại nặng, những cành bị khô chết sau đó dùng các thuốc gốc đồng để quét tại vị trí vết cắt.

Có thể kết hợp phun các loại thuốc gốc đồng lên tán lá và quét vôi pha với thuốc gốc đồng ở phần gốc cây vào đầu mùa mưa để phòng ngừa sự tấn công của nấm lên cây.

Dùng các loại thuốc phòng ngừa như sau: Carbenzim, Bendazol, Thio-M, Benomyl, Rovral, ...

1.2. Bệnh bồ hóng

Nguyên nhân gây bệnh

Do nấm Capnodium sp gây ra. Bệnh phát triển khi điều kiện khí hậu chuyển sang khô.

Triệu chứng bệnh

Bệnh phát triển với các tơ nấm màu trắng hồng bao phủ quanh các cành và chồi non. Phần phiến lá phía trên vết bệnh khô dần và chết. Biện pháp phòng trừ:

có thể phun các loại thuốc gốc đồng để phòng và trừ bệnh này.

1.3. Bệnh đốm rong

Nguyên nhân gây bệnh

 Do tảo Cephaleuros virescens gây ra. thường xuất hiện trên những vườn cây có điều kiện canh tác kém, đất không thông thoáng, vườn mọc nhiều cỏ dại, vườn bị côn trùng và nhện gây hại.

 

Triệu chứng bệnh

Bệnh xảy ra trên lá, thân, nhánh. Tảo tấn công trên thân nhánh tạo thành các đốm đồng tiền hay loang lỗ màu xám xanh hoặc vàng (lúc đang sinh sản).

Bệnh làm giảm khả năng quang hợp của cây. Trên nhánh và cành non, bệnh làm nứt vỏ, tạo điều kiện cho các bệnh khác phát triển. Nhiều đốm bệnh có thể liên kết lại thành mảng lớn. Vết bệnh chuyển dần sang màu xanh xám.

Biện pháp phòng trừ

Không trồng với mật độ quá dày, cung cấp đầy đủ nước và dinh dưỡng cho cây.

Thăm vườn thường xuyên, quản lý tốt nhện và côn trùng gây hại.

Thường xuyên tỉa bỏ cành, lá già đã bị bệnh phía dưới gốc, cành bị sâu bệnh, cành nằm bên trong tán không có khả năng cho trái đem tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh, đồng thời làm cho vườn có độ thông thoáng.

Bón phân cân đối và đầy đủ cho vườn cây, không nên phun phân bón lá định kỳ, sẽ làm cho trái bị nhiễm bệnh, tưới nước đầy đủ để đảm bảo đất luôn đủ độ ẩm, chăm sóc chu đáo, phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh để cây luôn phát triển tốt.

Ngừa bệnh có thể dùng một trong các loại thuốc như: COC 85, Boocđo 1%, Đồng Oxyclorua, Copper-B, Copper-Zinc 75WP, Kocide,... pha đặc quét lên thân, cành già mỗi năm 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa.

1.3. Bệnh thán thư

Nguyên nhân gây bệnh

Do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra. Nấm tồn tại trên các lá và trái bị bệnh, phát tản lây lan do gió và nước. Bệnh sẽ phát triển mạnh khi trời mưa nhiều, thời tiết ẩm thấp.

Triệu chứng bệnh

Trên lá, vết bệnh là các đốm cháy màu nâu, nhiều đốm liên kết với nhau làm khô cả một mảng lá.

Trên trái vết bệnh là những đốm màu nâu đen, chúng làm trái thối khô và rụng

Biện pháp phòng trừ

Cắt tỉa cành để tạo độ thông thoáng cho vườn cây.

Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun như: Carbenzim, Mexyl MZ, Bendazol, Thio-M.

 Phun thuốc phải ướt đều trên các tán lá và phun ngừa vào giai đoạn trái còn non

1.4. Bệnh đốm lá

Nguyên nhân gây bệnh

Do nấm Pestalotia sp. gây nên, phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao và nhiệt độ môi trường thích hợp 27 - 28oC.

Nấm xâm nhập qua vết thương cơ giới; vết thương do côn trùng cắn phá; qua khí khổng.

Bệnh gây hại nặng trên những vườn chăm sóc kém và có nhiều cỏ dại.

Triệu chứng bệnh

Trên lá: Vết bệnh không có hình dạng nhất định. Đầu tiên, vết bệnh là những đốm màu vàng cam. Sau đó, vết bệnh phát triển lớn dần tạo nên những đốm lớn có màu nâu đỏ và xung quanh vết bệnh có viền nâu sậm.

Trên bề mặt của vết bệnh có thể quan sát thấy những ổ nấm có màu đen. Lá măng cụt bị khô và cháy, ảnh hưởng đến quang hợp của cây.

Trên thân: gây hiện tượng nứt cành, chảy nhựa, phồng vỏ và khô cành. Ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.

Trên trái: Vùng nhiễm bệnh chuyển sang màu hồng sáng và quan sát thấy các bào tử nấm có màu đen bằng đầu kim. Trái nhiễm bệnh sẽ bị cứng.

Biện pháp phòng trừ

Thu gom lá bệnh và đem đi tiêu hủy

Cắt tỉa những cành kém hiệu quả để tạo độ thông thoáng cho cây

Sử dụng các loại thuốc như: Dipomate, Mexyl MZ 72WP, Zineb Bul, Thio-M, Dipomate 80WP, Kasuran, Mancozeb, ...

Phun thuốc khi lá non bắt đầu xuất hiện, đặc biệt những đợt lá ra vào đầu mùa mưa, phun liên tiếp 3 lần và mỗi lần cách nhau một tuần.

Chúc bà con có vụ mùa bội thu!!!

 

 

 

Viết bình luận của bạn:

Bài viết liên quan