Sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ trên cây sầu riêng

CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG VÀ HẠ TẦNG CẢNH QUAN HÀ HÙNG 03/06/2021
Sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ trên cây sầu riêng

 

I. SÂU HẠI TRÊN CÂY.

1.1. Rầy phấn

Đặc điểm gây hại.

Đây là côn trùng gây hại rất quan trọng và phổ biến trên sầu riêng. Rầy phấn phát triển mạnh trong mùa khô. Lây lan nhanh từ vườn này sang vườn khác.

Ở giai đoạn ấu trùng và trưởng thành, rầy gây hại bằng cách chích hút lá non và đọt non, làm cho lá không phát triển, bị biến dạng, cháy mép lá dần dần khô và rụng.

Đọt non có thể bị khô và chết, trơ cành mà có thể nhầm với triệu chứng do bệnh. Vết chích do rầy gây ra có thể tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây hại.Cây bị hại nặng có lá thưa thớt, quăn queo, lá non rụng nhiều và khô ngọn.

Cây không phát triển được tán dẫn đến ra hoa ít, đậu trái kém, trái bị sượng, phẩm chất kém. Rầy tiết nhiều chất mật được tạo điều kiện cho nấm bò hóng phát triển làm đen lá, trái.

Biện pháp phòng trừ.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thiên địch như nhện, bọ rùa Coccinella, Chrysopa sp., và ong ký sinh để chống rầy.

Tưới đủ nước và bón phân thích hợp cho cây khỏe mạnh. Tăng cường bón phân hữu cơ. Ở miền Đông Nam bộ nên duy trì một lớp cỏ giữ ẩm trong mùa khô.

Phun nước mạnh trên tán lá để hạn chế sự hoạt động của rầy.Phun thuốc khi thấy mật số rầy cao, có thể dùng các loại thuốc trừ sâu kết hợp với thuốc nấm để phòng trừ, thường mỗi cơi đọt nên phun 2 lần cách nhau 15 ngày.

Điều khiển cây ra đọt non đồng loạt để dể trừ rầy.

1.2. Sâu đục trái

Đặc điểm gây hại

Con trưởng thành hoạt động về đêm, sau khi nở sâu non đục vỏ trái chui vào bên trong để ăn phá phần thịt trái, đặc biệt chúng rất thích ăn phần hột và phần thịt trái gần xung quanh hột.

Sâu tấn công và gây hại từ lúc trái còn rất nhỏ (trái bằng ngón tay cái) đến trái lớn, sắp thu hoạch và thiệt hại nặng nhất vào lúc trái sắp thu hoạch.

Tại những lỗ đục sâu đùn phân ra ngoài. Nếu gặp nước mưa hay gặp ẩm độ không khí cao, xung quanh lỗ đục sẽ bị thối và chuyển dần sang màu nâu đen.

Biện pháp phòng trừ

Cắt tỉa các trái xấu phát triển kém, trái bị nhiễm trong các chùm trái

Dùng cành cây nhỏ ngăn tách các trái đóng cặp để hạn chế thiệt hại.

Dùng bẫy đèn với ánh sáng đen (Black light) để bẫy trưởng thành vào đêm.Tạo điều kiện cho thiên địch phát triển để hạn chế sâu hại, có một số loài ong có thể ký sinh trứng, ấu trùng và nhộng, ngoài ra còn có các loài ăn thịt như bọ xít, kiến và nhện.

Bao trái Khi sâu bệnh xuất hiện nhiều bắt buộc phải dùng thuốc BVTV thì sử dụng ABAGRO 4.0ec phun 2-3 lần mỗi lần cách nhau 2 tuần hoặc sử dụng thuốc Abatin 5,4 EC, Regent 5SC, Sagalex 30EC, Brightin 1.8EC để phun nếu như cây bị nhiễm bệnh nặng.

Nên phun phòng trừ vào giai đoạn đầu để đảm bảo không gây ảnh hưởng quá cao đến quả và chú ý phun cách ly thời gian hợp lí trước khi thu hoạch không để dư lượng thuốc hóa học cao trên quả ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

1.3. Rệp sáp

Đặc điểm gây hại

Chúng tấn công trên trái từ khi trái còn non, rệp sáp trong quá trình gây hại còn tiết ra mật đường tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bồ hóng phát triển làm giảm giá trị thương phẩm của trái.

Biện pháp phòng trừ

Bao trái

Duy trì độ ẩm cho vườn cây bằng cách phủ rơm hoặc cỏ lên trên đất, bón phân hữu cơ tưới nước đầy đủ cũng làm giảm rệp sáp đáng kể.

Áp dụng biện pháp sinh học duy trì những loại thiên địch có sẵn trong thiên nhiên như bọ rùa, ong để chúng ăn thịt rệp.Khi vườn cây có dấu hiệu nhiễm bệnh nặng hãy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng không ảnh hưởng đến loài thiên địch đó là dầu khoáng Enspray, BTMET TKS.Cắt bỏ những cành cây bị rếp tấn công mang chúng ra khỏi vườn đốt tiêu hủy.

Những chùm nào trái quá sai thì nên tỉa bớt trái để cho rệp không ẩn nấu được.

Trồng xen canh các loại cây trồng xua đuổi rệp và thu hút thiên địch, hạn chế sự tấn công của chúng lên cây trồng chính. Bón phân cân đối, giữ ẩm chon vườn vào mùa khô

1.4. Nhện đỏ

Đặc điểm gây hại

Mùa nắng, điều kiện nóng ẩm, nhiều nhất là thời điểm mưa nắng xen kẽ, biên độ nhiệt chênh lệch ngày và đêm cao.Tấn công mặt dưới lá, chủ yếu là ở lá già. Nhẹ tạo thành những chấm trắng li ti do nhện “ăn” mất diệp lục lá

Thời kì làm bông nếu bị nhện tấn công sẽ ảnh hưởng khả năng ra hoa đậu trái, cây suy yếu – thiếu dinh dưỡng, dẫn đến rụng bông và trái non.

Biện pháp phòng trừ

Trong điều kiện tự nhiên nhện hại bị nhiều loại thiên địch tấn công như nhện nhỏ ăn mồi, … cần tạo điều kiện cho thiên địch phát triển cũng hạn chế được tác hại của nhện.

-  Phun nước lên tán lá tạo ẩm độ cao trong vườn trong mùa nắng có thể làm giảm mật số của nhện đồng thời cũng tạo điều kiện cho thiên địch phát triển.

– Để trừ nhện đỏ có thể sử dụng 1 trong các hoạt chất thuốc hóa học sau:

+ FENPYROIMATE 5% hoặc FENPROPATHRIN 10% hoặc PROPARGITE (có tỉ lệ ít nhất 85%) …làm theo hướng dẫn trên bao bì.

+ Hoặc sử dụng thuốc thảo dược để trừ (loại hỗn hợp của gừng, ớt, tỏi).Chú ý dù dùng thuốc hóa học hay thảo dược, sinh học…đều phải phun khi nhện ở giai đoạn nhỏ mới nở sẽ có hiệu quả.

1.4. Bọ trĩ

Đặc điểm gây hại

Bọ trĩ tấn công lá non cho đến khi lá gần trưởng thành. Chích hút chất dinh dưỡng trong lá làm cho phát triển kém.

Lá bị tấn công có màu sáng bạc, ít thấy màu xanh. Kích thước lá có thể giảm, lá có thể bị biến dạng trong trường hợp nghiêm trọng. Bọ trĩ cũng tạo điều kiện cho nấm bò hóng phát triển làm đen lá, trái.

Mặc dù không gây chết cây nhưng cây sinh trưởng phát triển kém làm cho ra hoa đậu quả kém, trái nhỏ, chất lượng giảm.

Biện pháp phòng trừ

Duy trì ẩm độ không quá thấp trong mùa khô bằng lớp phủ xanh trên mặt đất (cỏ phủ đất), bón nhiều phân hữu cơ và tủ đất bằng chất hữu cơ trong mùa khô, tưới đủ nước cho cây cũng là biện pháp giảm được rệp sáp trong mùa khô ở miền Đông Nam bộ.Dùng vòi nước mạnh tưới lên cây hoặc áp dụng kỹ thuật tưới phun trên tán trong mùa khô kết hợp tưới nước cũng giúp hạn chế dịch hại.Chỉ phun thuốc trong trường hợp cần thiết.

Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít ảnh hưởng với thiên địch

Tỉa bỏ những bộ phận bị hại nặng và tiêu huỷ. Tỉa cành tạo tán thông thoáng hạn chế chổ trú ẩn của bọ trĩ.

1.5. Sâu đục thân.

Đặc điểm gây hại

Sâu đục thân gây hại quanh năm, thường tấn công vào thân, ăn tiện vòng quanh vỏ cây, làm chết phần thân trên, tạo vết thương hở để nấm bệnh xâm nhập.

Biện pháp phòng trừ

Thường xuyên đi từng gốc để kiểm tra (15 ngày / lần). Khi phát hiện thấy sâu, dùng thuốc trừ sâu nguyên chất bơm vào lỗ sâu hại, hoặc dùng dao bén để moi bắt sâu ra.

Ngoài ra khi phun thuốc sâu trên lá cũng lưu ý phun vào thân cây để diết bớt ấu trùng

1.6. Sâu ăn bông

Đặc điểm gây hại

Bướm đẻ trứng trên chùm bông nở ra sâu non tấn công trên chùm bông. Sâu non ăn phá các phần non của bông làm hư hại hay rụng sớm.

Biện pháp phòng trừ

Theo dõi định kỳ 2-3 ngày/lần giai đoạn trổ hoa. Phát hiện bướm, tìm diệt ổ trứng và sâu non.

Khi sâu mới nở mẫn cảm cao với thuốc nên rất dễ phòng trừ. Phát huy vai trò của kiến vàng ngăn chặn và hạn chế sâu.

Phun trái định kỳ 15 ngày một lần, thuốc trừ sâu cộng với thuốc trừ nấm. Luôn phiên thay đổi gốc thuốc trừ sâu cũng như thuốc nấm.

II. BỆNH HẠI TRÊN CÂY

2.1. Bệnh thán thư

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioidess gây ra. Bệnh thường xâm nhiễm mạnh ở giai đoạn đọt non, lá non mới mở.

Chúng lây lan nhanh chóng trong điều kiện thời tiết mưa ẩm, nhiều sương mù.

Triệu chứng bệnh

Bệnh thường xuất hiện ở khoảng giữa tán lá trở xuống, thường xuất hiện ở lá già.

Vết bệnh ban đầu là đốm riêng biệt, tròn và hoại tử hoặc có hình bất dạng, màu nâu. Sau đó, vết bệnh lan dần vào phía bên trong phiến lá, với viền màu nâu vàng.

Lá bệnh bị khô cháy từng phần và rụng sớm làm cành, nhánh trơ trụi lá, gây hiện tượng khô chết cành nhỏ.

Trên cây con, bệnh làm cây bị rụng lá toàn bộ, bệnh nặng cây có thể bị khô ngọn và chết.Trên cây trưởng thành, bệnh gây thiệt hại cho bộ lá và các cành nhỏ ảnh hưởng đến năng suất.

Biện pháp phòng trừ

Tỉa cành, tạo tán để vườn thông thoáng.Tiêu hủy những cành, lá bị bệnhCung cấp nước và phân bón đầy đủ cho cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Phun thuốc lên cây khi vết bệnh mới xuất hiện bệnh bằng các loại thuốc như: Bandazol 50WP, Benomyl 50WP, Thio-M 500SC, Masin 70WP, Bavistin 50FL, Benlat 50WP, Manzate, Appencarb, Carbenzim, Dithan- M, Viben- C, Antracon, Dipomate, Funguran, Score.

2.2. Bệnh xì mủ chảy nhựa

Nguyên nhân gây bệnh

Nấm Phytophthora palmivora gây hại trên sầu riêng từ giai đoạn vườn ươm đến cây trưởng thành và cây đang cho trái, trên rễ, thân, lá và trái.

Triệu chứng bệnh

Trên rễ:  các rễ non bị thối có màu nâu đen, rễ chết dần làm cây phát triển chậm, sau đó nấm lây lan dần đến phần thân cây phía trên làm chảy nhựa thân, bộ lá chuyển màu vàng cây không phát triển và chết dần.

Trên thân, cành:  Trên thân có dấu hiệu chảy nhựa ra trên bề mặt vỏ cây, vết bệnh ướt và nhựa có màu nâu, nấm thường tấn công xung quanh gốc và các cành của cây sầu riêng.

Trên lá: Vết bệnh đầu tiên là những đốm đen nâu nhỏ trên mặt lávà lan rất nhanh, sau 2 ngày lá chuyển thành màu nâu và bào tử nấm lây sang lá kế cận, lá bị nhũng rồi khô dần và sẽ rụng sau vài ngày, khi có mưa kèm theo gió mạnh sẽ là điều kiện tốt cho bệnh lây lan khắp cả vườn.

Trên trái: Vết bệnh khởi đầu là một vài chấm nhỏ màu nâu đen thường xuất hiện ở vị trí dọc theo chiều từ cuống trái sầu riêng trở xuống xung quanh trái, sau đó phát triển thành hình tròn hay loang lỗ và có màu nâu trên vỏ trái. Khi trái già vết bệnh nứt ra và phần thịt bên trong bị thối, có rất nhiều sợi nấm màu trắng trên vết bệnh và làm trái sầu riêng rụng trước khi chín.

Biện pháp phòng trừ

Chọn giống có tính chống chịu bệnh cao để dùng làm gốc ghép.Trồng với mật độ thấp, khoảng cách từ 8 – 10 m, tạo thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển tốt trong điều kiện thông thoáng.

Bón phân chuồng tạo cho đất tơi xốp và cung cấp các nguyên tố vi lượng cho cây

Thiết kế hệ thống tưới tiêu và thoát nước tốt để hạn chế ẩm độ cao trong vườn nhất là trong mùa mưa.

Trên vườn sầu riêng đang cho trái nên tỉa cành tạo tán và giảm mật độ giúp cây thông thoáng kết hợp với việc tái tạo hệ thống thoát nước thật tốt trong mùa mưa, tránh bộ rễ bị thối do ngập nước, hay trồng thấp.

Sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma để ký sinh tiêu diệt nấm Phytophthora palmivoraBơm thuốc Phosphonate vào thân cây để ngừa nấm Phytophthora palmivora tấn công từ bộ rễ, ngăn ngừa bệnh thối gốc chảy mủ và thối trái.

Phát hiện thật sớm cây bị bệnh chảy mủ và cạo sạch vết bệnh và dùng Super Mexyl MZ 72WP, Alpine 80WP, Ridomyl Gold, Aliette, Agri Fos liều lượng từ 30 – 50g/ 1 lít nước để quét lên vết bệnh vài lần.

2.3. Bệnh cháy lá chết ngọn

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh do nấm Rhizoctonia solani Kuhn gây ra, bệnh này gây hại cây sầu riêng con trong vườn ươm và cây mới trồng những năm đầu và phát triển mạnh vào mùa mưa, ban đầu xuất hiện ở một nơi sau đó nhanh chóng lan rộng dần ra xung quanh.

Triệu chứng bệnh

Lúc đầu trên lá xuất hiện những đốm nhỏ, sũng nước. Sau đó những đốm nhỏ liên kết lại thành mảng bất dạng, khô và chuyển sang màu nâu sáng với rìa màu nâu tối.

Lá bệnh bị biến dạng và rụng.

Các lá bệnh có thể bị kết dính lại. Do đó khi khô, chúng dính với nhau nhưng không rụng.

Nếu nấm xuất hiện ở phần lá ngọn sẽ làm khô chết phần ngọn phía trên.Ở cây trưởng thành, bệnh làm cho cành và nhánh nhỏ lại ảnh hưởng xấu đến năng suất và phẩm chất trái

Biện pháp phòng trừ

Mật độ cây trong vườn ươm vừa phải, cũng không được tưới quá nhiều nước.Ngăn chặn lây lan nguồn bệnh từ bên ngoài vào trong vườn trồng (từ rơm rạ, cỏ khô, nguồn nước chảy…)

Dọn sạch cỏ dại thường xuyên để vườn cây luôn thoáng mát.

Phun thuốc khi thấy cây vừa chớm bệnh bằng các loại thuốc như Validacin 5L, Copper B 75 WP, Benomyl 50 WP, Anvil 5 SC, Bononza 100 SL, Tilt Super 100 ND với liều lượng sử dụng có thể áp dụng theo trên bao bì sản phẩm, kết hợp bón phân đầy đủ cho sầu riêng con giúp cây đủ khả năng chóng chịu với mầm bệnh đặc biệt là phân hữu cơ vi sinh kết hợp với NPK.

2.4. Bệnh thối hoa

Nguyên nhân gây bệnh

Do nấm Fusarium sp. gây ra.

Triệu chứng bệnh

Hai mảnh vỏ bao quanh hoa sầu riêng bị nấm tấn công trước, sau đó vết bệnh lan vào cánh hoa làm hoa bị thối và rụng.Vết bệnh có màu nâu sáng và hơi lõm xuống.

Biện pháp phòng trừ

Tỉa cành tạo tán để vườn cây được thông thoáng.Thu gom và tiêu hủy các hoa nhiễm bệnh.

Phun thuốc phòng khi hoa chuẩn bị nở như: BigRorp Ran 600WP, Cure Supe 300EC, Actinovate 1SP, Tracomix 760WP, Thio-M 500SC, Hạt vàng 50\WP, Champion 77WP, Glory 50 SC, Copper B, Copper Zinc, Benlate C,

2.5. Bệnh đốm rong

Nguyên nhân gây bệnh

Do nấm Cephaleuros virescens gây ra.

Triệu chứng bệnh

Vết bệnh là những đốm gần tròn, màu nâu đỏ, mọc hơi nhô lên như một lớp nhung ở trên mặt lá.

Vết bệnh lan rộng nhanh khi gặp điều kiện phù hợp. Những đốm bệnh nếu không tiến triển sẽ để lại những đốm tròn có màu xám xanh.

Biện pháp phòng trừ

Tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng khoẻ mạnh. Chăm sóc vườn cây tốt, bón phân và tưới nước đầy đủ, đặc biệt trong mùa khô. Thoát nước tốt trong mùa mưa.

Chú ý cải thiện đất, hạn chế các yếu tố bất lợi đến sinh trưởng của cây.Tạo vườn cây thông thoáng, tỉa cành tạo tán hợp lý.

 Tiêu hủy nguồn bệnh, tỉa bỏ các bộ phận bị bệnh nặng.Có thể phun các loại thuốc Karuran, COC 85 WP, Viben – C… một hoặc hai lần.

2.5. Bệnh đốm lá

Nguyên nhân gây bệnh

Do nấm Phomopsis durionis gây ra

Triệu chứng bệnh

Xuất hiện những đốm nhỏ có màu vàng hơn nâu như bị hoại tử, lâu dần sẽ tăng kích thước và khiến lá cây bị rụng.

Đốm giữa lá to bằng hạt đỗ màu vàng, cây chậm phát triển, khi bị tấn công lá của cây có xu hướng rụng sớm, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp cuả cây, bệnh thường nghiêm trọng hơn khi cây sầu riêng còn nhỏ.

Biện pháp phòng trừ

Nếu phát hiện lá bị bệnh tấn công thì nhanh chóng ngắt bỏ đi, tiêu hủy an toàn để tránh tình trạng lây lan trong vườn. Khi cây xuất hiện bệnh nên dùng thuốc Difenoconazole hoặc Mancozeb + Meta Laxyl hoặc Copper Hydroxide phun trên lá 2 lần cách nhau 7-10 ngày để trị bệnh cho cây.

Bón phân đầy đủ, cân đối cho cây, không bón nhiều phân đạm kết hợp bổ sung phân hữu cơ vi sinh cho cây để cây đủ dinh dưỡng phát triển và khả năng kháng bệnh tốt hơn.

2.6. Bệnh nấm hồng

Nguyên nhân gây bệnh

Do nấm Corticium salmonicolor gây ra

Triệu chứng bệnh

Tạo trên cây một lớp tơ lúc đầu có màu trắng đục, sau đó chuyển sang màu nâu đỏ phát triển xung quanh vỏ cành cây.

Nấm hút dinh dưỡng làm vỏ cành chỗ bị hại khô và rụng lá cả cành, cuối cùng làm cành chết khô.

Biện pháp phòng trừ

Không trồng quá dày, tránh trồng xen rậm rạp.Tỉa cành tạo tán nhằm tăng độ thông thoáng trong tán cây và trong vườn cây

Những cành bệnh nặng, cành chết do bệnh cần được cắt và tiêu huỹ ngăn ngừa lây lan.

Phun thuốc phòng trừ. Có thể sử dụng các loại thuốc như Validacin, Bonaza, thuốc gốc đồng…. để phun.

Quét thuốc lên vết bệnh mới xuất hiện và ở các vị trí bệnh có thể xuất hiện. Sử dụng các loại thuốc nói trên.

2.7. Bệnh nấm bồ hóng

Nguyên nhân gây bệnh

Do nhiều loại nấm gây ra Meliola durionis, Capnodium moniliforme, Polychaeton sp., Phragmocapnias betle)

Triệu chứng bệnh

Bệnh thường tấn công chỗ tán rậm rạp, cành non và gây hại khu vực có ẩm độ cao. Các loại nấm này phát triển khi có nhiều loại côn trùng tấn công như riệp sáp, rầy phấn khi chúng tiết ra các chất dịch và các loại nấm này sống nhờ chất dịch đó và phát triển.

Biện pháp phòng trừ.

Kiểm soát côn trùng, đặc biệt là rệp dính, rệp sáp là những loài tiết ra mật ngọt giúp nấm phát triển.

Có thể kết hợp các thuốc trừ nấm như Mancozeb, Maneb với các loại thuốc trừ sâu sẽ đem lại hiệu quả cao.

Các biện pháp canh tác như trồng khoảng cách thưa và loại bỏ cỏ dại giúp cây thông thoáng, giảm lượng ẩm độ sẽ hạn chế được bệnh.

2.8. Bệnh thối rễ

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh do nấm mang tên Pythium Complectens có sẵn trong đất vườn quá ẩm ướt.

Triệu chứng bệnh

Nấm tấn công toàn bộ rễ của cây sầu riêng con khiến rễ không thể hút chất dinh dưỡng, dẫn đến việc cành bị héo úa lá chuyển vàng và rụng, sau đó cây kiệt sức dần mà chết.

Biện pháp phòng trừ

Trước khi trồng phải cày xới đất vườn thật kỹ rồi phơi ngoài nắng nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng để tiêu diệt mầm bệnh có sẵn trong đất.

Đối với những cây sầu riêng con đã bị bệnh nặng và chết nên nhanh chóng nhổ bỏ hết gốc rễ đem tiêu hủy ngoài khu vực vườn trồng.

Thoát nước tốt cho vườn trồng, không để vườn bị ngập úng chống nước chảy tràn trên vườn trồng.

Dùng thuốc để phòng trừ nấm gây bệnh thối rễ trên cây sầu riêng con như Ridomil Gold, Agrifos và Aliette, hay thuốc Actinovate. Ngoài ra việc bón phân cho cây con đặc biệt là phân hữu cơ vi sinh sẽ giúp tăng cường lượng vi sinh vật có lợi trong đất, giúp cây sầu riêng con đủ dinh dưỡng phát triển và chống chịu mầm bệnh tốt hơn.

Chúc bà con có vụ mùa bội thu!!!

Viết bình luận của bạn:

Bài viết liên quan