Sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ trên cây quế

CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG VÀ HẠ TẦNG CẢNH QUAN HÀ HÙNG 04/06/2021
Sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ trên cây quế

 

I. SÂU HẠI TRÊN CÂY

1.1. Sâu đục thân cành (Arbela bailbarama Mats)

Đặc điểm gây hại

Thuộc họ ngài đục gỗ (Metarbelidae). Sâu đục cành rất phổ biến, các cành bị sâu đục thường hơi già, có đường kính từ 1,5 - 3cm, chiều dài vết đục từ 10 - 15cm. Sâu bắt đầu đục vào nách cành, nách lá. ở các vị trí này, cành gỗ thường phình to, rất nhiều cành có vết đục trùng với nơi bọ xít gây hại. Những cành này thường bị chết. Những cành chỉ có riêng sâu đục thân hại, ít thấy có biểu hiện chết nhanh.

Sâu hại chủ yếu tập trung phá hại ở những khu vực chân đồi rừng quế là chính vì nơi đây có ẩm độ cao, cây phát triển tốt nguồn thức ăn dồi dào.

Biện pháp phòng trừ

Tập trung phát dọn thực bì, chặt những cây bị sâu hại, cuốc xung quanh gốc cây vào mùa xuân để giết nhộng.

Dùng tay mây móc sâu non.

Phun thuốc Rogor 1% vào lỗ đục rồi bịt bông lại.

Phun thuốc sữa Dip-tê-rếc nồng độ 0,2%

1.2. Sâu đo ăn lá quế (Culcula panterinaria Bremer et Grey)

Đặc điểm gây hại: thuộc họ sâu đo (Geometridae). Bộ cánh vẩy (Lepidoptera). Sâu đo hại lá quế xuất hiện và phá hoại ở hầu hết các vùng trồng quế ở nước ta như Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Sâu đo ăn trụi lá quế trông như cây chết. Sâu hại làm giảm sinh trưởng của rừng quế và làm cây suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho những loài sâu hại thứ cấp xâm nhập, phá hoại.

Biện pháp phòng trừ:

Dùng bẫy đèn hoặc bắt sâu non vào sáng sớm. Cuối thu đào đất bắt nhộng.

Có thể dùng một số loại thuốc diệt như Ôfatox 40 EC; FAX TAX 25EC liều lượng 600 lít dung dịch/ha.

1.3. Bọ xít nâu sẫm (Pseudodoniella chinensis Zheng)

Đặc điểm gây hại: thuộc họ Pentatomidae, Bộ Hemiptera. Bọ xít nâu sẫm xuất hiện ở các vùng trồng quế ở nước ta. Đặc biệt tập trung nhiều ở vùng quế Yên Bái, Quảng Ninh. Các cành non và chồi có các vết chích của bọ xít. Sau 1 - 2 tuần các vết chích cùng với vết loang chuyển sang màu đen, khô dần và nứt ra theo chiều dọc của cành, chồi. Cành, chồi của cây quế có thể khô héo và chết. Các vết chích cùng với vết loang to lan gần hết hoặc kín nách chồi, rất có thể đây là chất bài tiết của bọ xít hoặc 1 loại bệnh gây hại. Các vết chích cùng với vết loang sau 1 - 2 tuần chuyển sang màu xám đen, hơi lõm xuống sau đó chuyển màu nâu xám, khô dần, nứt ra theo chiều dọc của cánh, chồi.

Biện pháp phòng trừ:

Bắt giết bọ xít khi mới nở còn sống tập trung, ngắt các ổ trứng bọ xít

II. BỆNH HẠI TRÊN CÂY

2.1. Bệnh khô lá quế

Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh do nấm đĩa gai Pestalotiopsis funerae Penz. gây ra. Nấm thuộc họ nấm đĩa Melanconiaceae, bộ nấm đĩa Melanconiales, ngành phụ nấm bất toàn DeuteromycotinaNhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển thường 26 – 30oC, khi nhiệt độ thấp dưới 10oC thường không phát triển. Độ ẩm cao trên 80% rất có lợi cho đĩa bào tử nở ra bào tử bay ra ngoài thực hiện lây lan. Bệnh thường phát triển vào các tháng 4 - 11.

Triệu chứng bệnh: Bệnh khô lá quế ban đầu lá xuất hiện đốm vàng nhỏ, lớn dần lên đến mép lá phần bị bệnh khô dần biến thành màu nâu xám. Bệnh lan rộng dần đến lá khác và tạo ra đốm khác. Bệnh nặng làm cho lá rụng, cây chết khô. Bệnh còn hại trên cả cành non.

Biện pháp phòng trừ:

Để giảm bớt nguồn lây bệnh cần tiến hành cắt lá bệnh ngay từ khi mới xuất hiện đốm bệnh, nếu còn có đốm bệnh thì phải tiến hành cắt tiếp lá bệnh.

Cắt cả cành bị bệnh nhặt hết lá rụng trên luống.

Cải thiện điều kiện môi trường bằng cách tăng cường che bóng, che gió cho cây.

Bón phân tưới nước kịp thời. Thông thường nên bón phân P, K.

Đầu mùa xuân, khi lá non mới nhú cần phun thuốc Boócdô 1% hoặc zineb 0,2%, 7 - 10 ngày phun 1 lần, phun khoảng 2 - 3 lần.

2.2. Bệnh đốm lá và khô cành quế

Nguyên nhân gây bệnh:

Bệnh này có 2 giai đoạn. Giai đoạn hữu tính là nấm vó túi Glomerella cingulata Spauld et Schrenk, thuộc nấm vỏ cầu Sphaeropsidales lớp nấm hạch ngành phụ nấm.

Giai đoạn vô tính thuộc nấm đĩa bào tử, bộ nấm đĩa đen, lớp nấm bào tử xoang, ngành phụ nấm bất toàn.

Triệu chứng bệnh: Bệnh gây hại chủ yếu là lá, quả và cành. Trên lá và quả xuất hiện các đốm tròn màu nâu sẫm. Lá non bị bệnh thường xoăn lại. Về sau trên đốm bệnh có các chấm nhỏ màu đen, đó là các đĩa bào tử. Cành non bị bệnh thường xuất hiện các đốm hình bầu dục và bị khô héo, đốm bệnh màu nâu tím dần dần thành màu đen; bộ phận bị bệnh lõm xuống, nối liền nhau và làm cho cành cây khô héo. Trong điều kiện ẩm ướt, các đốm bệnh cành non và lá xuất hiện khối bào tử nhầy màu hồng. Mùa xuân trên đốm có thể hình thành vỏ túi thể hiện giai đoạn hữu tính.

Biện pháp phòng trừ:

Cắt bớt lá bệnh để giảm nguồn lây nhiễm.

Trồng cây quế nơi thoát nước, nhiều mùn với độ dày hợp lý.

Có thể trồng hỗn giao theo đám, xúc tiến khép tán sớm để giảm bệnh.

Khi lá mới nhú, phát hiện có bệnh có thể phun thuốc Boócđô 1% hoặc Benlat 0,1% để hạn chế bệnh.

2.3. Bệnh tua mực quế

Nguyên nhân gây bệnh:: Nấm mốc mammaria cetasi và Lacelinopsis sp. Vi khuẩn Pseudomonas. Môi giới lây bệnh là bọ trĩ và rầy lưng đỏ.

Triệu chứng bệnh: Lúc đầu trên thân cây xuất hiện một số khối u trên vỏ cây, khối u lớn dần; trên khối u hình thành các tua dài ngắn khác nhau. Số lượng tua trên khối u lồi rất khác nhau. Có cây tua mực rải đều trên thân, cành và gân lá, có cây chỉ có 1 vài u lồi mà chưa có tua. Những cây ra nhiều tua thường bị các sinh vật khác xâm nhiễm trên tua như nấm mốc, mọt; tua héo dần nên khi xác định thường có các vi khuẩn và nấm mốc (điều này gây khó khăn cho việc xác định vật gây bệnh). Tua mực trên u hoặc trên cây quế thường có màu hồng nâu, trông tựa như tua mực.

Biện pháp phòng trừ:  

Tăng cường sức khỏe cho cây bị nấm, vi khuẩn hay địa y đến tấn công khi cây có sức sống kém.

Cần chú ý biện pháp liên hoàn từ khâu chọn giống đến khâu trồng và chăm sóc nhằm chống bệnh tua mực. Kỹ thuật trồng, chăm sóc tạo cho cây khỏe mạnh có sức chống bệnh là rất quan trọng.

Chặt bỏ những cây, những cành bị bệnh. Chặt bỏ phần thân và cành có búi tua mực.

Các tua mực khi được phát hiện vào tháng 8 - 9 hàng năm, cần kiên quyết xử lý kịp thời, thu gom đốt, cây quế sẽ sinh chồi, mọc tiếp.

Chúc bà con có kết quả thu hoạch tốt nhất!!!

 

Viết bình luận của bạn:

Bài viết liên quan